Tiểu sử Lê_Tranh_(Phúc_vương)

Phúc vương Tranh (福王錚) sinh ngày 27 tháng 3, năm Quang Thuận thứ 4 (1467) tại kinh đô Thăng Long, là con thứ sáu của Lê Thánh Tông, mẹ là tài nhân họ Nguyễn (1444 - 1479), người làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm.

Năm 1471, Thánh Tông sai đại thần Lê Hy Cát (黎希葛) mang sách vàng và ấn báu phong Hoàng tử Tranh làm Phúc Vương (福王), cho lập phủ ở phường Đông Tác, huyện Vĩnh Xương thuộc Thăng Long.

Tháng 12, năm 1486, Phúc vương bà Thục Tuân, con gái Thượng thư bộ Binh Trịnh Văn Lượng (郑文亮) về làm vợ. Năm 1488, bà phi ấy mất, Phúc vương ở vậy cho tới năm 1494, mới cưới người vợ thứ hai là bà Châu Linh, con gái quan Mậu ân sứ Lưu Cảnh Đức (刘景德).

Tháng 8 năm 1500, ngày 4, Phúc vương mắc bệnh nặng. Sau khi dặn bảo người trong phủ là việc tang phải tiết kiệm, không làm lễ Phật và chỉ theo lễ cổ, thì qua ngày mùng 6, ông qua đời, hưởng dương 33 tuổi. Thương tiếc ông, Hiến Tông cho bãi triều ba ngày, ban cho tiền làm lễ táng, và ban cho tên thụy là Ý Khang (懿康).

Theo Lê Quý Đôn, ...tính Phúc Vương giản dị, thanh đạm, ôn hòa, đứng đắn, thực thà, ít nói, luôn giữ mình theo lễ nghĩa phép tắc, ham mê sách vở (thích nhất là Kinh Dịch, cũng hiểu được ý nghĩa lớn của sách), giỏi viết chữ thảo, rất hay thơ, phong cách thơ thanh cao hùng tráng, đã từng được vua Lê Thánh Tông đặc biệt khen ngợi, coi trọng. Người đương thời thường sánh ông với Đông Bình và Hà Gian đời xưa" [1].